♦ GIAO LƯU THỂ THAO MỪNG TẾT DƯƠNG LỊCH 2025 (31/12)     ♦ SINH HOẠT ĐỐI THOẠI QUÂN CHỦ QUÝ IV NĂM 2024 (26/12)     ♦ LỄ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA QUYẾT THẮNG NĂM 2025 (17/12)     ♦ HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU, QUÁN TRIỆT, TUYÊN TRUYỀN, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG (10/12)     ♦ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NHIỆM VỤ NĂM 2024 (10/12)    
Bởi Phan Thanh Toàn - Đăng tải ngày 30/04/2024
THÔNG BÁO CHÍNH TRỊ - THỜI SỰ TUẦN (TỪ NGÀY 22/4 - 28/4/2024)

THÔNG BÁO CHÍNH TRỊ - THỜI SỰ TUẦN (TỪ NGÀY 22/4 - 28/4/2024)

I. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

1. Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật viện trợ quân sự:

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cho phép viện trợ quân sự trị giá 95 tỷ USD, bao gồm 61 tỷ USD dành cho Ukraine, 13 tỷ USD cho Israel và hơn 9 tỷ USD dành cho viện trợ nhân đạo tới Gaza, Sudan và Haiti cùng một loạt các hạng mục an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, luật còn bao gồm những biện pháp hỗ trợ cho việc bán tài sản thuộc chủ quyền của Nga bị đóng băng để tài trợ cho Ukraine và thực hiện lệnh trừng phạt mới đối với Iran lẫn nhóm Hamas, buộc tập đoàn Trung Quốc ByteDance bán TikTok nếu không sẽ bị cấm ở Mỹ. Trong gói hỗ trợ Ukraine, gần 14 tỷ USD sẽ được chi cho hoạt động đào tạo, trang bị phục vụ các nhu cầu của quân đội Ukraine. Ukraine cũng sẽ nhận được 10 tỷ USD dưới dạng các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả để hỗ trợ kinh tế và ngân sách, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.

2. Philippines - Mỹ tập trận chung thường niên Balikatan 2024:

Từ ngày 22/4 - 10/5/2024, Philippines và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên Balikatan 2024 (Vai kề vai) tại khu vực phía Tây và Bắc Luzon/Philippines, với sự tham gia của khoảng 5.000 binh sĩ Philippines và 11.000 binh sĩ Mỹ, cùng lực lượng Phòng vệ Australia và Hải quân Pháp với tư cách người tham gia. Ngoài ra, 14 quốc gia khác (trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ) sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự với tư cách là quan sát viên. Những thành viên tham gia sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ phức tạp trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: an ninh hàng hải, phòng không và tên lửa, tấn công tên lửa động, phòng thủ mạng và các hoạt động thông tin. Ngày 22/4, những người biểu tình đã tập trung trước trụ sở của Lực lượng Vũ trang Philippines để lên tiếng phản đối cuộc tập trận quân sự, kêu gọi chính phủ Philippines từ bỏ các thỏa thuận quân sự với Mỹ.

3. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ đạo tập trận phản công hạt nhân:

Ngày 22/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã lần đầu tiên chỉ đạo cuộc tập trận chiến thuật mô phỏng phản công hạt nhân, với sự tham gia của các đơn vị pháo binh tên lửa đa nòng siêu lớn 600 mm. Cuộc tập trận được tiến hành với mục đích chính là thể hiện độ tin cậy, tính ưu việt, sức mạnh và các phương tiện đa dạng của lực lượng hạt nhân Triều Tiên, đồng thời tăng cường sức mạnh hạt nhân cả về chất lượng và số lượng. Triều Tiên coi đây là tín hiệu cảnh báo rõ ràng tới các nước đối thủ. Cùng ngày, Triều Tiên đã phóng một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Bình Nhưỡng, bay xa khoảng 300km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên.

4. Israel đẩy mạnh tấn công vào miền Bắc Gaza:

Ngày 23/4, Israel đã điều động nhiều xe tăng tấn công vào khu vực miền Đông Beit Hanoun (nằm ở rìa phía Bắc của Gaza), mặc dù không tiến sâu vào thành phố này. Đây là cuộc tấn công dữ dội nhất trong nhiều tuần qua, gây hoảng loạn cho người dân và san phẳng các khu dân cư trong khu vực mà Israel cho là nơi xuất phát các cuộc tấn công vào binh lính Israel. Trước đó, Quân đội Israel (IAF) xác định các rocket được phóng vào vùng lãnh thổ của nước này đều xuất phát từ các vị trí khai hỏa ở phía Bắc Gaza. IAF tuyên bố, trong ngày 23/4, các máy bay tiêm kích của IAF và nhiều máy bay khác đã tấn công khoảng 25 mục tiêu khủng bố trên khắp Gaza, bao gồm cả cơ sở hạ tầng quân sự, các trạm quan sát, những phần tử khủng bố, các bệ phóng.

5. Trung Quốc thông qua luật thuế quan:

Ngày 26/4, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) đã thông qua luật thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Luật có hiệu lực từ ngày 1/12/2024, vẫn duy trì sự ổn định cơ bản của hệ thống thuế quan hiện tại, không dẫn đến thay đổi về gánh nặng thuế chung. Luật này có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy mở cửa ở mức độ cao và thúc đẩy môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường, dựa trên luật pháp và môi trường kinh doanh quốc tế hóa. Trong số 18 loại thuế hiện có của đất nước, Trung Quốc đã ban hành luật về 13 loại thuế trong số đó. Luật mới đề ra một loạt quy định pháp lý liên quan đến thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc, từ thành phần cấu thành các ưu đãi thuế cho đến quyền của Trung Quốc trong việc đáp trả các quốc gia vi phạm các hiệp định thương mại. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc có thể đáp trả nếu các đối tác thương mại áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

II. TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ:

Ngày 26/4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác. Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

2. Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone:

Chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhân dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chúc mừng Thủ tướng Sonexay Siphandone nhân dịp năm mới Bunpimay của Lào và cảm ơn Thủ tướng Lào đã nhận lời tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN. Để nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, hai Thủ tướng nhất trí cần tăng cường kết nối hai nền kinh tế, nhất là về thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; phối hợp rà soát, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Lào; thực hiện hiệu quả các Nghị định thư, Đề án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

3. Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư:

Chiều 22/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy có biển trực thuộc Trung ương nhằm tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên... đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư. Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, mục tiêu gỡ bỏ thẻ vàng trong năm 2024 là quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị. Về giải pháp lâu dài, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền phải quan tâm cấu trúc nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững; tạo sinh kế phù hợp, nâng cao đời sống cho ngư dân, người lao động. Đồng thời có chính sách bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài, trên cơ sở đó nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.

4. Quyền Chủ tịch nước tiếp Đại sứ Nhật Bản chào từ biệt:

Sáng 24/4, tại Phủ Chủ tịch, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác. Chúc mừng Đại sứ có một nhiệm kỳ thành công, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao những tình cảm, tâm huyết và nỗ lực của Đại sứ trong thúc đẩy quan hệ nhiều mặt Việt Nam - Nhật Bản. Thời gian tới, Quyền Chủ tịch nước mong muốn với kinh nghiệm, hiểu biết và tình cảm đối với Việt Nam, dù trên cương vị nào, Đại sứ cũng sẽ tiếp tục phát huy vai trò và kinh nghiệm của mình, đóng góp vào quan hệ Việt - Nhật trên tất cả lĩnh vực, nhất là kinh tế, đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mới như công nghệ cao, bán dẫn, IT…; thúc đẩy hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, địa phương, phát triển du lịch.

5. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Tổng thư ký ASEAN và Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei:

Ngày 23/4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp, làm việc với Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân dịp Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2024 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Tổng thư ký Kao Kim Hourn đã nhận lời tham dự và đóng góp tích cực cho AFF 2024, mong rằng Tổng thư ký Kao Kim Hourn sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam đưa Diễn đàn trở thành cơ chế trao đổi toàn diện và bao trùm cho các quan chức chính phủ, nghiên cứu, học giả và các nhóm, giới khác nhằm tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề thời sự, chiến lược đặt ra cho ASEAN.

III. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA TOÀN QUÂN, PTTĐ QUYẾT THẮNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐƠN VỊ

1. Hội nghị giao ban Bộ Quốc phòng tháng 4/2024:

Ngày 24/4, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị giao ban Bộ Quốc phòng tháng 4/2024. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang đánh giá, trong tháng 4/2024, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo sâu sát, cụ thể; các cơ quan Bộ Quốc phòng tham mưu đúng, trúng, kịp thời. Toàn quân ổn định, quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Về những định hướng và chủ trương, giải pháp cần tập trung thực hiện trong tháng 5/2024; Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu toàn quân duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ, nắm chắc, dự báo đúng tình hình, tham mưu xử lý kịp thời các tình huống; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biên giới và bảo đảm an ninh trật tự trên cả nước, nhất là trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Quốc tế Lao động 1/5.

2. Hội nghị Ban Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị:

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chủ trì Hội nghị Ban Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ghi nhận sự chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, Đại tướng Lương Cường yêu cầu cần bám sát các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, bảo đảm trang trọng, chu đáo, hiệu quả. Đối với hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, tạo khí thế sôi nổi; đồng thời bảo đảm tốt an ninh, an toàn và tổ chức tốt các hoạt động thi đua, khen thưởng. Các cơ quan, đơn vị bám sát chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các hoạt động, bảo đảm khoa học, thực chất, hiệu quả, đúng với tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện.

3. Toàn quân duy trì nghiêm chế độ SSCĐ, ứng trực, đặc biệt trong dịp lễ:

Ngày 25/4, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị giao ban Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam tháng 4/2024. Sau khi nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương biểu dương các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động, quyết liệt triển khai hoàn thành các mặt công tác. Thời gian tới, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan chỉ đạo, theo dõi toàn quân tiếp tục duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ; chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, nhất là các địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới, trên không, trên biển. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân tổ chức huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao cho các đối tượng đúng chương trình, kế hoạch.

4. Xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa:

Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đồng chí thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy/Quốc hội khóa XV. Phát biểu tại hội nghị, các cử tri nhất trí cao về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Theo Đại tướng Phan Văn Giang, hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 86 điều có liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong dự thảo luật đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh; theo thống kê, dự thảo luật quy định 37 chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan; bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

5. Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11:

Chiều 23/4, tại Hà Nội đã diễn ra Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11 dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ngài Kim Seon Ho, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Đối thoại lần này nhằm đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng giữa hai nước, đồng thời trao đổi các vấn đề cùng quan tâm; thống nhất định hướng chung về hợp tác trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất. Về phương hướng hợp tác thời gian tới, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đề nghị hai bên tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực: Trao đổi đoàn các cấp; giáo dục - đào tạo; các cơ chế đối thoại, tham vấn, giao lưu; công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự; khắc phục hậu quả chiến tranh; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Kết thúc Đối thoại, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Ngài Kim Seon Ho đã ký Biên bản Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11. 

Bài viết liên quan

HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU, QUÁN TRIỆT, TUYÊN TRUYỀN, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG

Chiều ngày 10/12, Đảng ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 959 tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị. Đại tá Ngô Gia Thu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn chủ trì hội nghị.

Bởi Phan Thanh Toàn - Đăng tải ngày 10/12/2024

HỘI NGHỊ ĐẢNG ỦY PHIÊN CUỐI NĂM 2024

Sáng ngày 09/12, Đảng ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 959 tổ chức Hội nghị Đảng ủy phiên cuối năm 2024. Đến dự, chỉ đạo có đồng chí Thiếu tướng Lê Minh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu; thủ trưởng các cơ quan Quân khu cùng các đồng chí trong Đảng ủy Đoàn KTQP 959.

Bởi Phan Thanh Toàn - Đăng tải ngày 12/12/2024

QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ MƯỜI BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

Sáng ngày 06/11, Đảng ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 959 tổ chức Hội nghị Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đại tá Ngô Gia Thu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chủ trì hội nghị.

Bởi Phan Thanh Toàn - Đăng tải ngày 06/11/2024